Dứa có lợi thế nào cho phụ nữ?

Dứa chứa nhiều khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa, được cho là giúp phụ nữ chống lại tình trạng viêm nhiễm cùng một số vấn đề về sức khỏe.

1. Nâng cao sức khỏe xương khớp

Loãng xương là tình trạng mà nhiều phụ nữ gặp phải khi tuổi tác ngày càng tăng. Căn bệnh này làm giảm mật độ xương, từ đó khiến xương trở nên yếu hơn và có thể gây gãy, rạn xương.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường kê các loại thực phẩm giàu vitamin C cho những người gặp vấn đề xương khớp. Vitamin C kích thích sản xuất tế bào xương, giúp xương chắc khỏe hơn và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Dứa được xem là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời.

Khi cơ thể có đủ vitamin C, mật độ xương cao hơn, tránh nguy cơ bị loãng, rạn xương. Theo báo cáo, những người bổ sung đủ vitamin C trong chế độ ăn uống của họ có tỷ lệ gãy xương hông ít hơn 34% so với nhóm không nạp đủ loại vitamin này.

Thông thường, nếu ăn 165 gram dứa một ngày, bạn đã có thể nạp 88% lượng vitamin C của cả ngày. Lượng dứa này cũng cung cấp 5% magie cơ thể cần trong ngày.

Bất kỳ phụ nữ nào có tiền sử gia đình mắc bệnh về xương nên thường xuyên ăn dứa. Loại trái cây này có lợi cho sức khỏe của xương và ngăn ngừa loãng xương ở mọi giai đoạn cuộc đời.

2. Cung cấp dưỡng chất cần thiết khi mang thai

Nhiều người lầm tưởng ăn dứa trong thời kỳ bầu bí có thể gây ra các biến chứng. Nhưng thực tế, không có bằng chứng nào minh chứng điều này. Dứa chứa một số chất dinh dưỡng thiết yếu khiến nó trở thành loại thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống khi mang thai.

Trong quá trình bầu bí, cơ thể bạn cần đồng để hình thành các tế bào hồng cầu. Đồng cũng đóngvai trò quan trọng trong việc phát triển các mạch máu, tim, hệ thống thần kinh và xương của thai nhi. Cơ thể phụ nữ cần nhiều đồng hơn trong thời kỳ mang thai, với mức cần bổ sung là một mg mỗi ngày, để hỗ trợ lưu lượng máu tăng lên. Ăn dứa là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu này của thai phụ. Một cốc hoặc 165 gam dứa chứa khoảng 18% nhu cầu đồng cần thiết trong ngày.

Ngoài ra, dứa còn chứa nhiều loại vitamin B như B1, B6 và B9 – những chất thiết yếu nhằm duy trì tối ưu sức khỏe trong lúc mang thai. Đây là các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan và sự tăng trưởng của thai nhi.

Trong dứa còn có các hợp chất như kẽm, calci và sắt. Chúng hoạt động cùng nhau để giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

3. Làm chậm tiến triển ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh thường gặp, chiếm khoảng 25% trong tất cả các loại ung thư được chẩn đoán ở phụ nữ. Và có thể bạn không biết rằng dứa chứa lượng nhỏ bromelain, một loại enzyme có đặc tính chống ung thư vú.

Thông thường, dứa có hàm lượng bromelain thấp, nhưng các nhà khoa học đã sử dụng loại enzyme này với số lượng lớn và chỉ ra mối liên hệ giữa giấm dứa với sự phát triển ung thư vú. Giấm dứa được chiết xuất từ quá trình lên men của nước dứa, rất giàu chất chống oxy hóa.

Kết quả được thử nghiệm trên chuột cho thấy việc tiêu thụ giấm dứa hàng ngày làm chậm quá trình phát triển ung thư vú. Những tác dụng này của dứa có vẻ hứa hẹn nhưng hiện chúng vẫn chưa được chứng minh trong các nghiên cứu trên người.

Một số lưu ý khi ăn dứa

Nhìn chung, dứa là loại hoa quả an toàn cho mọi người, nhưng nó có thể có những nhược điểm nhất định đối với phụ nữ.

Gây sưng viêm

Do chứa lượng axit cao, ăn dứa có thể dẫn đến chứng ợ nóng và viêm. Nó cũng có thể gây triệu chứng trào ngược ở những người đã mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Dị ứng

Có một số người phàn nàn về tình trạng dị ứng sau khi ăn dứa, chẳng hạn như ngứa, sưng miệng, nghẹt hoặc chảy nước mũi, khó thở, phát ban. Dứa có nhiều khả năng gây phản ứng ở những người bị dị ứng latex (phản ứng với những chất trong mủ tự nhiên, xảy ra khi tiếp xúc với găng tay cao su, bao cao su). Bạn cần liên hệ với người chăm sóc sức khỏe của mình nếu quan sát thấy phản ứng dị ứng ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể ngay sau khi ăn dứa.

Phản ứng thuốc

Dứa chứa một hàm lượng nhỏ bromelain và loại enzyme này có thể làm tăng tác dụng của một số loại thuốc. Một số loại thuốc bị ảnh hưởng bởi việc tiêu thụ dứa bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh, chất làm loãng máu.

Do đó, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào ở trên, bạn nên tránh ăn dứa. Luôn tham khảo ý kiến người chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi đưa dứa vào chế độ ăn uống của mình. Chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn sẽ đánh giá tốt hơn liều lượng dứa phù hợp và an toàn cho bạn.

Có thể bị tăng lượng đường

Dứa là loại trái cây ngọt, mọng nước với hàm lượng đường được kiểm soát. Nhưng nước dứa bán sẵn trên thị trường thường được pha thêm đường, có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Một chế độ ăn kiêng với nhiều đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Vì vậy, không nên uống quá nhiều nước ép dứa để nhận được những lợi ích của trái cây. Thay vào đó, ăn dứa sống cắt thành miếng là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe. Nếu bạn thích nước ép dứa, hãy mua loại không thêm đường.

Dứa đông lạnh, sinh tố dứa và dứa nướng là những món ăn nhẹ lành mạnh, ngon miệng để cung cấp một lượng vitamin, khoáng chất thiết yếu hàng ngày. Nếu không gặp vấn đề sức khỏe hoặc dị ứng nào, bạn hoàn toàn có thể yên tâm chất đầy dứa vào tủ lạnh.

Theo Ngoisao.net

Chia sẻ

Bài viết liên quan

Scroll to Top