Đấu trường sinh tử: Khúc hát của chim ca và rắn độc được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Suzanne Collins, xuất bản vào năm 2020. Sau bộ ba cuốn tiểu thuyết đầu tiên gây tiếng vang lớn, Collins tiếp tục cho ra đời phần tiền truyện, kể riêng về tuổi trẻ của nhân vật phản diện rất được yêu thích mà bà từng tạo ra – Tổng thống Snow.
Không lâu sau đó, hãng phim Lionsgate thông báo phần tiền truyện này sẽ tiếp tục bước lên màn ảnh rộng, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Francis Lawrence – người cầm trịch ba phần phim thành công trước đó là Bắt lửa và Húng nhại (Phần 1, 2).
Phần phim đưa khán giả về thời điểm 64 năm trước khi những sự kiện của loạt phim/truyện gốc diễn ra. Ngoại trừ Coriolanus Snow – hay Tổng thống Snow, tuyến nhân vật được “thay máu” hoàn toàn bằng những gương mặt mới. Đây là những con người có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến chặng đường trưởng thành của Snow, đưa anh trở thành người quyền lực nhất – và mang dã tâm lớn nhất tại Panem.
Một khía cạnh hoàn toàn khác của Tổng thống Snow được giới thiệu. Các fan của loạt Đấu trường sinh tử có lẽ đã rất quen với hình ảnh một tổng thống Snow tham vọng và tàn bạo. Thế nhưng trong phần tiền truyện, khán giả được thấy thanh niên 18 tuổi Coriolanus Snow ngay thẳng, thông minh, nhận thức được bản chất xấu xa của Đấu trường sinh tử.
Nghệ thuật mô tả tâm lý nhân vật của tác giả Suzanne Collins và đạo diễn Francis Lawrence được thể hiện qua từng bước phát triển tâm lý của Snow. Thời lượng 2 giờ 45 phút phim được chia làm 3 phần: The Mentor (Cố vấn), The Prize (Giải thưởng) và The Peacekeeper (Người gìn giữ hòa bình). Mỗi phần đại diện cho một giai đoạn phát triển của nhân vật Snow.
Phần Cố vấn khắc họa chân dung của “học sinh tinh hoa” Snow, cũng như là sự hoang mang, đấu tranh về vai trò của bản thân của anh. Mặc dù nhận thức được bản chất của Đấu trường sinh tử, sự khắc nghiệt của giai cấp khiến Snow không còn cách nào khác ngoài dấn thân vào trò chơi nguy hiểm này.
Phần phim Giải thưởng tập trung xoay quanh Đấu trường sinh tử lần thứ 10, khắc họa sự khắc nghiệt của “trò chơi” được sinh ra với mục đích trừng phạt các cư dân. Phần thưởng của trò chơi này, không gì khác… chính là sự sống sót dành cho một người duy nhất. Thế nhưng, điều Snow nhận được không phải một phần thưởng, mà là sự trừng phạt – khi anh phải trở thành một người lính gìn giữ hòa bình. Nhưng nhìn trên khía cạnh nào đó, đây có thể cũng là “phần thưởng” của Snow, bởi cả Đấu trường sinh tử và quãng thời gian sau đó đã nuôi dưỡng dã tâm trong anh, đưa anh đến con đường chinh phục quyền lực.
Phần phim cuối cùng – Người gìn giữ hòa bình – chứng kiến sự thay đổi rõ rệt nhất của Snow về mặt tư tưởng. Là một “người gìn giữ hòa bình”, song sự khắc nghiệt của hệ thống giai cấp, xã hội và cả những tham vọng cá nhân khiến Snow hoàn toàn thay đổi. Tình yêu, tình bạn, lòng tham, sự phản bội chồng chéo xuyên suốt giai đoạn này. Cuối phim là câu thoại của Snow: “Cuối cùng, thứ ta yêu thương nhất là thứ hủy hoại ta”. Thế nhưng, điều anh yêu nhất và hủy hoại anh là gì? Là Lucy, hay chính lòng tham khát khao quyền lực?
Phần bối cảnh của phim là điểm cộng lớn. Khác với ba phần phim trước, bối cảnh Panem trong phần tiền truyện có phần cổ kính, tiêu điều hơn. Điều này có lẽ đến từ bối cảnh phim – 64 năm trước những sự kiện của phần phim chính, cũng là 10 năm sau cuộc nổi dậy lịch sử. Bối cảnh này góp công lớn trong việc tạo nên không khí “nguyên thủy” nhất cho Đấu trường sinh tử, khi con người bị đẩy vào bước đường cùng. Bản năng thức giấc, họ sẽ làm tất cả để tồn tại. Địa điểm nổi tiếng ở quận 12 – The Hanging Tree (cây treo cổ) vẫn xuất hiện trong phần phim này, nhưng với vẻ ma mị, cổ quái ám ảnh hơn rất nhiều.
Các phân cảnh hành động khốc liệt đậm chất Đấu trường sinh tử. Loạt truyện & phim Đấu trường sinh tử được nhắc đến nhiều nhất với dấu ấn về các phân cảnh chiến đấu cực kỳ khốc liệt, nơi 24 “vật tế” đến từ 12 quận phải làm tất cả để trở thành người chiến thắng cuối cùng và có thể bước ra khỏi Đấu trường này.
Tại Đấu trường sinh tử lần thứ 10, toàn bộ 24 vật tế sẽ bị đưa vào một nhà thi đấu, nơi tất cả những thử thách vượt ngoài tưởng tượng được đưa ra. Những pha chiến đấu, kết liễu tàn bạo giữa các vật tế được mang lên màn ảnh theo phong cách “nguyên thủy” và bản năng nhất, khiến khán giả không khỏi xót xa với sự độc tài của Panem.
Diễn xuất của dàn diễn viên tròn trịa và ấn tượng. Toàn bộ những gương mặt xuất hiện trong phần tiền truyện này đều có lần đầu tiên tham gia loạt Đấu trường sinh tử. Vai chính Coriolanus Snow do sao trẻ Tom Blyth đảm nhận. Màn thể hiện của anh có thể coi là vừa vặn với bộ phim, khi thể hiện một cách khá tốt những cung bậc cảm xúc khác nhau cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật Snow. Ngoại hình đẹp cũng là điểm sáng lớn khiến anh được khán giả yêu mến.
Nàng “Bạch Tuyết” Rachel Zegler vào vai chính Lucy Gray Baird – vật tế của Quận 12, cũng là người chiến thắng của Đấu trường sinh tử lần thứ 10. Cô là lựa chọn hàng đầu của đạo diễn Lawrence trong vai Lucy và đã thể hiện tròn trịa hình ảnh cô gái dũng cảm với tâm hồn tự do này. Zegler cũng thể hiện ca khúc nổi tiếng của bộ phim The Hanging Tree với một phong cách hoàn toàn mới.
Ngoài ra, dàn cast của bộ phim gồm những gương mặt gạo cội như Peter Dinklage hay Viola Davis cũng có màn thể hiện tốt, góp phần quan trọng vào thành công chung của bộ phim.