Trong tập cuối của K+ORIGINAL series Đi về phía lửa, sau tai nạn lật xe khiến vợ con suýt chết, Toàn Thắng (Xuân Phúc) dằn lòng xin chuyển công tác, chấp nhận gác lại lý tưởng cá nhân để làm tròn vai trò của người chồng, người cha. Trời run rủi thế nào, tối cuối cùng anh làm việc ở đơn vị chính là ngày xảy ra đại hỏa hoạn. Toàn Thắng quyết liệt lăn xả một lần cuối trước khi “lui về hậu phương”.
Khi lao vào quán karaoke hoạt động trái phép ngùn ngụt lửa cháy, Toàn Thắng, Đức Anh (Lãnh Thanh), Thanh Hà (Hồ Thu Anh), Minh Long (Trần Ngọc Vàng) nào có ngờ đây sẽ là trận chiến để lại “vết sẹo bỏng” đi theo họ suốt phần đời còn lại.
Tòa nhà bị ngọn lửa lớn bao vây tứ phía, được mô tả chi tiết từ bên ngoài vào đến từng ngóc ngách bên trong, với những phòng hát chật hẹp không lối thoát hiểm. Những cánh cửa bị lửa phá tan, thiết bị, giàn giáo bất ngờ đổ sập giữa nỗ lực chữa cháy ráo riết của đội cứu hỏa đưa đẩy cảm giác thót tim. Trường đoạn khơi gợi cảm giác bi tráng, nỗi sợ hãi, bàng hoàng nơi người xem khi ký ức về những vụ cháy karaoke ngoài đời thực cứ dồn dập ùa về.
Tái dựng cảnh cháy quán karaoke có thật ngoài đời, đạo diễn Trần Thanh Huy tiết lộ: “Còn nhớ một hôm, tôi ‘ép’ ekip quay liên tục 26 tiếng đồng hồ, chỉ để thực hiện cho các cảnh cận, nhằm mang lại khoảnh khắc mạnh mẽ xúc động nhất, đào sâu vào tâm lý nhân vật, hút hết nội lực của các diễn viên. Mỗi cảnh cận thời gian quay không dưới 3 tiếng đồng hồ, nhưng cả ekip đã rất nhẫn nại làm theo ý muốn của tôi”.
Trần Ngọc Vàng bơ phờ sau 26 tiếng làm việc liên tục trên phim trường. Trong khi với Xuân Phúc, đây là một trong những cảnh quay “vắt kiệt sức” của dàn diễn viên Đi về phía lửa. “Xem phim, khán giả có thể thấy một cảnh cận đơn giản nhưng ở hiện trường, chúng tôi đều rất mệt, cảm giác như hồn lìa khỏi xác”, anh nói.
Cùng với đồng đội, bốn nhân vật chính Đức Anh, Toàn Thắng, Thanh Hà, Minh Long đã quả cảm giải cứu nhiều người dân mắc kẹt trong vụ hỏa hoạn ở quán karaoke. Nhưng đau lòng thay, Thanh Hà và Toàn Thắng chẳng thể giải cứu chính mình, cũng không đợi được những người anh em tới đưa mình thoát khỏi cửa tử.
Giây phút đội trưởng của các chiến sĩ tìm thấy hai người lính, họ đã chẳng còn nhịp tim và hơi thở. Thanh Hà vẫn ôm lấy bé gái kẹt lại hiện trường, còn Toàn Thắng ra đi trong tư thế giữ cho bức vách không đổ sụp xuống đầu đứa trẻ. Cảnh tượng bi thương đến thế, chạm vào lòng trắc ẩn sâu xa trong tim mỗi khán giả, khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Một cách tối giản và tinh tế, đoạn phim tang lễ của Thanh Hà và Toàn Thắng không ngằn ngặt tiếng kêu khóc, nhưng vẫn đủ chạm vào nỗi đau ly biệt, mất mát của những người ở lại. Những người lính nén đau gửi lời chào đoạn cuối tới đồng đội một thuở kề vai sát cánh. Người phụ nữ hai màu tóc quặn thắt tâm can vì cả chồng và con cùng hy sinh trong bể lửa. Người vợ trẻ khóc nghẹn khi xem tâm thư sau cuối của chồng, gồng mình che chở cho hai con thơ côi cút.