Theo chia sẻ của đoàn làm phim, trong quá trình sản xuất, thử thách khó nhất là chọn một bối cảnh có thể tái hiện lại không khí âm u và rùng rợn của bộ tiểu thuyết gốc. Ê kíp đã mất thời gian dài khảo sát, đi qua 14 ngôi làng để tìm kiếm nơi có thể trở thành làng Địa Ngục nhưng không thu được kết quả nào. “Đó là ngày thứ 10, khi chuẩn bị về Sài Gòn, chúng tôi tình cờ được một bạn thanh niên người Mông chỉ cho một ngôi làng ít người tới”, đạo diễn Trần Hữu Tấn kể.
Trong nỗ lực cuối cùng, cả đoàn làm phim đã vô cùng bất ngờ khi ghé thăm làng Sảo Há (Hà Giang) và mô tả nơi này giống với Làng Địa Ngục trong sách đến 99%. Với khung cảnh hoàn toàn nguyên sơ, ngôi làng không có điện, nước và sóng điện thoại cũng không phủ tới. Theo anh Hoàng – Quản lý hậu cầu của đoàn, để có nước sinh hoạt, ê kíp phải vận chuyển từ thị trấn cách điểm quay tới 15km. “Sau đó, mình phải tải đường nước lên gần 3.000m, đi qua 2 ngọn đồi, độ cao 2.000m”, anh Hoàng chia sẻ.
Với điều kiện thiếu thốn, thời gian bấm máy ngay vào đầu năm ở nơi có địa lý khắc nghiệt khiến cả ê kíp càng vất vả hơn. NSƯT Phú Đôn kể điều kiện đã rất khó khăn, đoàn bắt đầu quay phim vào ngày cực kỳ rét buốt. Độ ẩm không khí cao làm lều bạt cũng như chỗ ngủ của ê kíp gần như bị đọng nước, một số thiết bị thậm chí không thể chạy được. Diễn viên Quang Tuấn mô tả quá trình làm phim này “thấy mọi người rất cực khổ, rất hi sinh”. Anh cũng thú nhận chỉ “đi bộ không thôi cũng thấy đuối rồi”.
Suốt hơn 2 tháng trời giá rét, đoàn làm phim đã rất nỗ lực để tái hiện một ngôi làng trên độ cao hàng nghìn mét. Tìm được bối cảnh đã khó, nhưng việc phục dựng lại ngôi làng đúng theo ý niệm từ tiểu thuyết lại càng thử thách hơn. Cả ê kíp phải sống trong điều kiện “3 không”: Không điện, không nước, không chỗ ở dưới thời tiết lạnh giá.
Các diễn viên và thành viên đoàn phim đã phải cùng nhau sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ và làm việc dưới những chiếc lều bằng bạt được dựng tạm bợ giữa thời tiết giá rét. Thậm chí còn có những hôm, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C kèm mưa và muôn kiểu điều kiện thời tiết khắc nghiệt điển hình khác của vùng rừng núi hẻo lánh Hà Giang. Không những sức người bị ảnh hưởng, nhiều thiết bị điện tử còn không thể hoạt động.
Vì trang phục của nhân vật trong phim không đủ giữ ấm, rất nhiều túi chườm nước nóng, thau than nhóm lửa liên tục được chuẩn bị và tiếp tế tới diễn viên để đảm bảo thân nhiệt cho tất cả. Các diễn viên miền Nam hầu hết đều thấy choáng váng vì mức độ khắc nghiệt ở Hà Giang. Quang Tuấn kể ngay cả khi phải tập trung hết sức cho cảnh quay, anh vẫn không ngừng run cầm cập. Còn Nguyên Thảo đã “sốc đến mức không thể nói chuyện hay pha trò như mọi khi, có lúc lạnh đến bật khóc”.
Bên cạnh điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc điện nước sinh hoạt không ổn định lại càng làm khó dàn diễn viên. Theo nhà sản xuất, có những hôm nước bơm từ chân núi lên bị khan hiếm, đội hậu cần đã phải thay nhau đun nước nóng liên tục suốt 4-5 tiếng để đảm bảo cho các diễn viên có thể tắm rửa, tẩy trang.
Theo biên kịch của bộ phim – Đào Diệu Loan, có rất nhiều thứ khó trong văn học không thể chuyển thể thành hình ảnh. Suốt quá trình biên kịch cho Tết ở làng Địa Ngục, cô tiết lộ đã có nhiều chi tiết buộc phải cân nhắc lược bỏ bớt, hoặc thêm thắt những chi tiết mới để tác phẩm đậm tính điện ảnh hơn. Điều này đã gây không ít bất đồng đến tác giả truyện gốc – Thảo Trang. “Thậm chí đã có những lúc tranh cãi không thể đưa ra quyết định cuối cùng”, Thảo Trang chia sẻ.
Trong khi đó, đạo diễn Trần Hữu Tấn kể chưa bao giờ thấy một tác phẩm mà chất văn hoá của địa phương lại nhiều đến vậy. Ngay từ truyện gốc, Trần Hữu Tấn đánh giá đây là quyển sách mang lại cho anh cảm giác và sự độc đáo chưa từng có trước đây. “Câu chuyện cũng mô tả yếu tố kinh dị gần như trước đây tôi chưa từng thấy lẫn trên phim ảnh”, anh bày tỏ.
Suốt quá trình bấm máy, đoàn phim cũng trải qua nhiều trải nghiệm ly kỳ đầy thú vị. Đáng chú ý phải kể đến những sự trùng hợp ngẫu nhiên không sao lý giải nổi. Trong một ngày lúc mới bắt đầu bấm máy, Nguyên Thảo từng bị thất lạc túi giấy tờ quan trọng. Cô được khuyên hãy ra ngôi miếu đầu làng để xin được tìm thấy. Nửa tin nửa ngờ nhưng nữ diễn viên vẫn thử làm theo, và ngay sáng hôm sau đã tìm lại được đồ thất lạc.
Không chỉ vậy, trong đoàn, đôi khi các thành viên chuyện trò thân tình cũng kể cho nhau nghe về trải nghiệm vô tình nhìn thấy bóng một người phụ nữ bí ẩn ngồi chải tóc trong đêm, gọi mãi nhưng không trả lời. Những trải nghiệm nửa hư nửa thực cùng các quan niệm dân gian này cũng được xem như nguồn cảm hứng để giúp truyền tải những câu chuyện ly kỳ đến khán giả thông qua Tết ở làng Địa Ngục.
Với sự đồ sộ cùng mức độ đầu tư tâm huyết, nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết anh và đạo diễn đã dành toàn tâm toàn ý, thậm chí lùi một dự án khác để tập trung cho series kinh dị cổ trang Việt Nam đầu tiên trên truyền hình.